Nguyễn Trãi Quốc Âm Từ Điển
A Dictionary of 15th Century Ancient Vietnamese
Trần Trọng Dương.

Quốc Ngữ hoặc Hán-Nôm:

Phần giải nghĩa truyền thuyết
lão hạc 老鶴
dt. con hạc già, tên bài thơ số 248 trong QATT. Hạc là con vật có tuổi thọ, bay cao, thường được coi là loài chim thiêng, là vật cưỡi của các vị tiên trong truyền thuyết của Đạo giáo.
Phương Sóc 方朔
dt. đc. tức Đông Phương Sóc (154 tcn-93 tcn), họ trương, tự là mạn thiến, là một tác gia lớn đời Hán, tính vốn hài hước, ăn nói lưu loát, thường pha trò trước mặt vua, nhưng lại trực ngôn can gián. Sau ông trở thành một nhân vật trong truyền thuyết Trung Hoa với tích Đông Phương Sóc thâu đào. Sách Hán Vũ Cố Sự ghi: ngày lễ thọ hán vũ đế, trước cung điện có ba con chim xanh từ trên trời bay xuống, vũ đế không biết là chim gì. Đông Phương Sóc mới bảo: ‘đó là ba con thanh loan của Tây Vương Mẫu, Vương Mẫu chắc sắp đến giờ.’ quả nhiên Vương Mẫu đến tặng đào tiên mừng thọ vua. Vua định lấy hạt trồng, thì Vương Mẫu bảo: ‘loại đào này ba ngàn năm mới ra quả, chỗ này đất xấu, trồng không được’. Đoạn quay sang trỏ Phương Sóc nói: ‘hắn đã ba lần ăn trộm đào tiên của ta rồi đấy’’. Truyền thuyết sau còn cho rằng Đông Phương Sóc vì ăn đào mà sống một vạn tám ngàn tuổi, nên được coi là Thọ Tinh (ông Thọ). Yến thửa Dao Trì đà có hẹn, chớ cho Phương Sóc đến lân la. (Đào hoa thi 231.4, 232.1).
phượng 鳳
dt. điểu vương trong truyền thuyết cổ, chim đực là phượng, chim mái là hoàng. Phượng những tiếc cao. (Tự thuật 120.5)‖ Năm thức phơi phơi đuôi phượng mở, tám lòng ỉm ỉm chữ nhàn phong. (Thái cầu 253.3). x. diều.
quyên 鵑
dt. tức chim đỗ quyên, có người cho là con tu hú, người cho là con cuốc cuốc, mình dài quãng 15 cm, lông lưng và đuôi màu đen, ức và bụng màu trắng pha các vện xám, chân màu vàng. đc. truyền thuyết rằng vua nước Thục đời Chiến Quốc là Đỗ Vũ, hiệu Vọng Đế. Thục Đế thông dâm với vợ của một bề tôi là Miết Linh. Tức giận, Miết Linh dấy loạn, đem quân đánh phá kinh thành. Thục Đế thất bại, mất ngôi, chạy trốn vào rừng, khổ sở quá rồi chết. Sách Thành đô ký chép hơi khác: vua thục thông dâm với vợ Miết Linh. Biết chuyện, Miết Linh bắt buộc vợ nói khích vua thục nhường ngôi cho Miết Linh, rồi cùng vợ Miết Linh bỏ nước ra đi để sống cho trọn tình chung thuỷ. Thục Đế say mê vợ Miết Linh quá, thà mất ngôi vàng hơn mất người đẹp nên nghe theo. Nhưng Thục Đế mất cả ngai vàng lẫn người đẹp, vì vợ của Miết Linh quay trở lại sống với chồng. Nhớ ngai vàng, nhớ nước, Thục Đế chết hoá thành chim quyên ngày đêm kêu sầu. Đời sau vì thế gọi chim quyên là đỗ quyên hay Đỗ Vũ, hay Vọng Đế đề quyên 望帝啼鵑. Lại có thơ rằng: “Đỗ Vũ từng là vua nước Thục, hoá chim bay đi thành cũ hoang, năm năm lại gào trăng hoa đào, cứ như là đang kể việc mất nước cho gió xuân.” (杜宇曾為蜀帝王,化禽飛去舊城荒,年年來叫桃花月,似向春風訴國亡 Đỗ Vũ tằng vi Thục Đế vương, hoá cầm phi khứ cựu thành hoang, niên niên lai khiếu đào hoa nguyệt, tự hướng xuân phong tố quốc vong). Thư nhạn rạc rời khi gió, tiếng quyên khắc khoải khuở trăng. (Tự thán 98.4).
Thái Thạch 泰石
dt. địa danh, theo truyền thuyết là nơi Lý Bạch uống rượu say, nhảy xuống sông bắt trăng mà chết. Ngàn nọ so miền Thái Thạch, làng kia mỉa cảnh Tiêu Tương. (Trần tình 42.3).
Vương Mẫu 王母
dt. tức Tây Vương Mẫu, hay Vương Mẫu nương nương, Dao Trì Kim Mẫu, là vị nữ thần trong truyền thuyết Trung Quốc. Tương truyền Vương Mẫu sống ở cung Dao Trì núi Côn Lôn, trong vườn của bà có trồng bàn đào là giống đào tiên, ăn vào trẻ mãi không già. Có ai ướm hỏi tiên Vương Mẫu, tin khá tin, thì ngờ khá ngờ. (Đào hoa thi 232.3).
Đường Nghiêu 唐堯
dt. <Nho> (2337 tcn - 2258 tcn) con của Đế Cốc 帝嚳, họ Kỳ 祁, tên là Phóng Huân 放勳, hiệu Đào Đường 陶唐, thuỵ là Nghiêu 堯, vì từng là thủ lĩnh của họ Đào Đường 陶唐, cho nên gọi là Đường Nghiêu 唐堯. Theo Sử Ký, đế cốc mất, đế chí lên thay. Tuy nhiên, do chí không có tài trị nước nên phóng huân thay ngôi, tức là đế Nghiêu. Trong thư tịch cổ, Nghiêu thường được ca tụng là một vị vua tài giỏi và đạo đức, lòng nhân từ và sự cần cù của ông được coi là mẫu hình hoàng đế lý tưởng theo quan niệm của các nhà Nho xưa. Theo truyền thuyết, Nghiêu lên ngôi khi hai mươi tuổi, qua đời ở tuổi 119 và ông truyền ngôi cho thuấn, người được ông gả cho hai cô con gái từ trước. Việc Nghiêu truyền ngôi cho thuấn chứ không truyền ngôi cho con là đan Chu Thường được sử sách đời sau xem là tấm gương mẫu mực của việc chọn người tài đức, không vì lợi ích riêng tư của dòng họ. Ngẫm ngọt sơn lâm miễn thị triều, nào đâu là chẳng đất Đường Nghiêu. (Mạn thuật 24.2). x. tạc tỉnh canh điền.
Đông Hoa 東華
◎ Nôm: 東花 Xét, viết chữ 花 là do kỵ huý thời Nguyễn [NĐ Thọ 1997: 142].
dt. địa danh, theo truyền thuyết là tên gọi tắt của Đông Hoa Đế Quân, tức ông tiên Đông Vương Công, hay Đông Hoàng Công. Sách Ngô Việt Xuân Thu ghi: “Dựng Đông giao để tế mặt trời, tên là Đông Hoàng Công; lập Tây giao để tế mặt trăng, gọi là Tây Vương Mẫu” (立東郊以祭陽,名曰東皇公; 立西郊以祭陰,名曰西王母). Từ đời Minh, các cơ quan trung ương đều được đặt trong cửa Đông Hoa ở kinh thành, nên vì thế được dùng để trỏ các quan trung ương, sau trỏ triều đình nói chung. Thành Thăng Long từ thời lê cũng đã có cửa Đông Hoa. Cố đô huế cũng có cửa này, sau kị huý nên đổi thành Đông Ba [NĐ Thọ 1997: 142]. Mấy thu áo khách nhuốm hơi dầm, bén phải Đông Hoa bụi bụi xâm. (Tự thuật 119.2). Hai câu này mang ý “đã mấy năm nay làm khách xa nhà, cái áo phải dầm mưa dãi gió, lại thêm bén bụi bặm của chốn kinh đô phồn hoa đô hội” (chuyển dẫn ĐDA).